Liệu Nhật có phải là nước xã hội chủ nghĩa số 1 thế giới?! :)

Hôm nay, chính phủ Nhật thông báo đang lên kế hoạch để hỗ trợ cho các hộ gia đình khó khăn (hộ thu nhập thấp không phải đóng thuế) mỗi hộ 50.000 Yên vì tình hình vật giá leo thang.
Nhìn các chế độ phúc lợi xã hội an sinh, cách thu thuế dựa trên thu nhập, cách hỗ trợ kinh tế có đặt giới hạn mức thu nhập…mới thấy có lẽ Nhật là nước có cách tồn tại theo xã hội chủ nghĩa ở hạng top chăng.

Cùng xem các qui định, chế độ mà Nhật đang có là:
1) Thuế suất lũy tiến, tức người nào thu nhập càng cao thì càng đóng thuế nhiều.
Những hộ có thu nhập thấp (dưới 1.030.000 Yên thì được miễn thuế thu nhập, thuế cư trú…tất tần tật)

2) Những người vì vấn đề gì đó mà không có khả năng lao động thì có thể xin trợ cấp, số tiền trợ cấp tùy theo khu vực sống, chi phí sinh hoạt của vùng.
Ví dụ, theo trang này thì thấy ở Phủ Osaka, huyện Toyonaka, gia đình 2 vợ chồng 2 đứa con, tổng cộng là 4 người (chồng 40 tuổi) thì số tiền trợ cấp nhận được hàng tháng lên đến 228.220 Yên. Một con số khá cao, hơn cả mức lương cơ bản của Nhật dành cho người tốt nghiệp đại học xin việc năm đầu tiên.

3) Trẻ con đi học miễn học phí đến cấp 2.
Tiền giáo dục mà phụ huynh cần phải trả đa số là tiền ăn uống ở trường, tiền ngoại khóa, tiền mua các dụng cụ học tập phát sinh.
Nhưng với các hộ nghèo thì có thể làm thủ tục miễn giảm hay hỗ trợ các chi phí này.

4) Y tế
Nhật bắt toàn dân phải vào bảo hiểm.
Có vài loại bảo hiểm tùy theo công việc/công ty mà người đó làm nhưng hầu hết là phải vào.
Và dù có vào bảo hiểm nào đi nữa thì mức chi trả bảo hiểm là giống nhau, ví dụ người bình thường thì trả 30% chi phí y tế phát sinh khi đi khám, điều trị bệnh.
Người già thì tỉ lệ trả sẽ ít đi, cỡ 10%
Còn trẻ em thì sao, hầu hết các địa phương đều hỗ trợ phí y tế cho trẻ em.
Thực tế thì nhiều nơi là miễn phí, có nơi trả một chi phí cố định là vài trăm Yên cho mỗi lần khám.
Tuy nhiên, có một điểm hết sức “xã hội chủ nghĩa” của Nhật là để dân không bị xáo trộn, ảnh hưởng trầm trọng đến cuộc sống nếu không may bệnh tật xảy ra thì lại có chế độ chặn trên phí y tế, kể cả khi chỉ trả 30%.
Tức nếu phí y tế phát sinh quá cao ở một mức nào đó thì sẽ được hỗ trợ hoàn toàn chi phí vượt trội.
Mức trần này lại cũng được qui định theo thu nhập.
Tức người thu nhập càng thấp thì phí y tế phải trả cũng cực thấp.

5) Phí nhà trẻ
Nhật thật ra là nước hỗ trợ cho bà mẹ đi làm rất tốt.
Các bà mẹ, phụ huynh đi làm có nhu cầu gởi con đi nhà trẻ thì từ 0 tuổi sẽ được gởi.
Vì đây là chính sách công hỗ trợ cho phụ huynh đi làm nên không tự xin trực tiếp vào nhà trẻ mà sẽ xin thông qua cơ quan hành chính của địa phương sinh sống.
Khi xin vào được rồi thì tiền gởi nhà trẻ sẽ dựa trên thu nhập của ba mẹ (của hộ)
Nên người nào thu nhập thấp thì tiền gởi nhà trẻ cũng cực thấp, có nhà gởi miễn phí.

6) Tất cả các hỗ trợ kinh tế từ chính phủ, kể cả hỗ trợ trẻ em đều đặt giới hạn thu nhập.
Tức thu nhập trên bao nhiêu bao nhiêu thì sẽ không thuộc đối tượng hỗ trợ.
Tùy vào loại hình hỗ trợ mà giới hạn mức này khác nhau.
Ví dụ, Nhật chỉ phổ cập giáo dục đến cấp 2 nên từ cấp 3 sẽ là tự lựa chọn có đi học hay không.
Hiện tại, hầu hết các địa phương đều có hỗ trợ học phí học cấp 3 và tất cả các hỗ trợ này đều có giới hạn thu nhập của hộ là 5.900.000 Yên.
Và với hỗ trợ cho trẻ con thì cũng giới hạn thu nhập.
Mức giới hạn này còn phụ thuộc vào số người mà chủ hộ (người có thu nhập cao nhất trong hộ) đang bảo dưỡng (nuôi hay cấp dưỡng về mặt kinh tế) nữa.
Nhìn chung, thu nhập cỡ 12.000.000 Yên/năm thì con họ sẽ không nhận hỗ trợ từ chính phủ.

Chính sách hỗ trợ trẻ con mà giới hạn thu nhập đang bị rất nhiều người phản đối vì sự bất cập của nó.
Người đóng thuế càng nhiều, người cống hiến cho xã hội càng nhiều từ kinh tế thì con họ hầu như không được nhận bất cứ hỗ trợ nào từ chính phủ.
Đặc biệt, kể cả trẻ em sinh ra có vấn đề về sức khỏe, khuyết tật được chỉ định thì các hộ đó thu nhập cao họ phải chịu chi phí y tế (30%) hoặc toàn bộ chi phí khác nên những hộ không quá quá giàu thì bị áp lực kinh tế cũng không ít.
Với lại, cách tính hiện tại đang chỉ tính dựa theo thu nhập của người có thu nhập cao nhất trong hộ nên sẽ có hiện tượng cả hộ thu nhập vừa chạm mức không được hỗ trợ nhưng có hộ cả 2 vợ chồng đi làm, cả 2 gộp lại cao hơn mức trần qui định rất cao, ví dụ chồng vợ cùng làm mức 10.000.000/năm thì vẫn nhận được hỗ trợ.

7) Thuế quà tặng, thuế thừa kế
Tài sản ở Nhật đều bị đánh thuế tài sản cố định (như nhà cửa, bất động sản…)
Khi ba mẹ để lại tài sản cho con thì tài sản đó đều bị đánh thuế.
Người có tài sản bình thường kiểu dưới 100.000.000 Yên mà có vài đứa con thì có lẽ cũng không phải lo gì lắm vì mức đóng thuế thừa kế cho mỗi cá nhân là cỡ 3.6000.000 Yên.
Nhưng nếu trên mức đó thì phải đóng thuế hết.
Có lẽ, đây cũng là một chính sách để Nhật hạn chế sự phân hóa giàu nghèo, bất bình đẳng từ số phận chăng?!

Điểm qua các chính sách hỗ trợ, chính sách an sinh, chính sách thuế…ở Nhật mới thấy người nghèo ở Nhật thật sự được hỗ trợ nền tảng cơ bản cực tốt.
Họ không phải bận tâm và quá lo lắng nhiều về ăn mặc, y tế.
Ngược lại, người kiếm ra tiền giỏi ở Nhật thì phải đóng thuế, người càng giàu thì mặc nhiên là “bị” bắt phải cống hiến, hỗ trợ nền tảng xã hội.
Làm ra 1 thì phải đóng thuế hết 1 nửa.
Nhật có lẽ là một trong những nước tư bản mà có cách tồn tại xã hội kiểu “xã hội chủ nghĩa” người giàu, người càng giàu thì làm ra tiền để lo cho người nghèo, người kém may mắn hơn họ.

Cá nhân bà 8 thấy không nên chủ nghĩa xã hội quá như hiện tại, nên cân bằng lại, nhất là phần hỗ trợ cho trẻ em. Nhật đang đối đầu với việc dân số già, ít sinh con mà lại còn hạn chế như vậy thì không nên xíu nào.
Phải tạo chế độ sao cho người ta thấy sinh con là điều lợi, cho cả quốc gia và cho cả họ nữa.

Còn bạn, bạn thấy thế nào về cách tồn tại của xã hội Nhật?

カテゴリー: 8 chuyện Nhật パーマリンク

Liệu Nhật có phải là nước xã hội chủ nghĩa số 1 thế giới?! :) への2件のフィードバック

  1. Timothyrax のコメント:

    Thanks for the post

  2. DavidCor のコメント:

    thanks, interesting read

コメントを残す

メールアドレスが公開されることはありません。 が付いている欄は必須項目です